Bảo hiểm PVI là một trong những đơn vị Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam. Bảo hiểm PVI khẳng định tầm vóc của một Định chế Tài chính – Bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Hiện nay PVI cho ra mắt nhiều sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mọi cá nhân, gia đình và tổ chức. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao chính vì thế nhu cầu sử dụng xe ô tô ngày càng cao, hiểu được điều đó Bảo hiểm PVI cho ra đời sản phẩm bảo hiểm xe ô tô. Để hiểu hơn về sản phẩm này IBAOHIEM sẽ chia sẻ một số thông tin trong quy tắc sản phẩm này. Tại phần này cùng tìm hiểu phần “Giám định tổn thất và hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe ô tô PVI” theo quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô PVI (Ban hành theo Quyết định số 938/QĐ-PVIBH ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI trên cơ sở chấp thuận của Bộ Tài chính theo công văn số 14569/BTC-QLBH ngày 22/11/2018)
Xem chi tiết quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô PVI tại đây: Quy tắc bảo hiểm xe cơ giới PVI Hiệu lực từ ngày 09/12/2021
Tìm hiểu sản phẩm bảo hiểm xe ô tô PVI tại đây: Bảo hiểm xe ô tô PVI
Điều 6: Giám định tổn thất
- Khi xảy ra tổn thất/ tai nạn, mọi tổn thất hay thiệt hại về tài sản sẽ được Bảo hiểm PVI tiến hành giám định trực tiếp với sự có mặt của Chủ xe/ Lái xe hoặc người đại diện hợp pháp của Chủ xe/ các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do tai nạn gây ra. Kết quả giám định được lập thành văn bản có chữ ký của các bên tham gia giám định. Chi phí giám định tổn thất do Bảo hiểm PVI chịu.
- Trường hợp Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do Bảo hiểm PVI xác định, hai bên sẽ thỏa thuận chọn một đơn vị giám định độc lập thực hiện việc giám định. Trường hợp Bảo hiểm PVI và Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe không thỏa thuận được việc chọn đơn vị giám định độc lập thì một trong hai bên được quyền yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú/ trụ sở của Chủ xe chỉ định đơn vị giám định độc lập. Kết luận bằng văn bản của đơn vị giám định do Tòa án chỉ định có giá trị bắt buộc đối với các bên.
- Trường hợp kết luận của giám định độc lập hoặc của đơn vị giám định do Tòa án chỉ định khác với kết luận giám định của Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm PVI phải trả chi phí giám định. Trường hợp kết luận của giám định độc lập hoặc của đơn vị giám định do Tòa án chỉ định trùng với kết luận giám định của Bảo hiểm PVI, Chủ xe phải trả chi phí giám định.
- Trong trường hợp đặc biệt, đối với những tổn thất mà Bảo hiểm PVI không có điều kiện thực hiện giám định trực tiếp hoặc không có biên bản tai nạn của cơ quan công an, thì Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe phải thu thập và cung cấp cho Bảo hiểm PVI đầy đủ thông tin chi tiết về nguyên nhân, diễn biến vụ tai nạn, mức độ thiệt hại cùng các chứng từ, bản ảnh chụp thiệt hại và các tài liệu liên quan làm căn cứ xác định bồi thường theo hướng dẫn của Bảo hiểm PVI.
Điều 7: Hồ sơ yêu cầu bồi thường
Đối với từng vụ việc cụ thể, hồ sơ bồi thường bao gồm một hoặc nhiều loại tài liệu sau:
1. Tài liệu do Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe cung cấp:
a. Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (theo mẫu do Bảo hiểm PVI cung cấp).
b. Tài liệu liên quan đến xe, lái xe (bản sao có xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bản sao có xác nhận của nhân viên Bảo hiểm PVI sau khi đã đối chiếu với bản gốc hoặc bản gốc để nhân viên Bảo hiểm PVI kiểm tra và sao chụp trực tiếp) như sau:
- GCNBH và/ hoặc HĐBH và các thỏa thuận khác bằng văn bản (nếu có);
- Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe hợp lệ và còn hiệu lực của người điều khiển xe bị tổn thất;
- Các giấy tờ liên quan đến mua, bán, chuyển nhượng, cho, tặng, uỷ quyền sử dụng xe (nếu có);
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hợp lệ và còn hiệu lực hoặc các giấy tờ tương đương theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp xe lưu hành tạm thời có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc hoạt động trong thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, kiểm định lần đầu tiên tại Việt Nam) (Ví dụ: xe lưu hành tạm thời có Giấy đăng ký lưu hành tạm thời của cơ quan chức năng có thẩm quyền…).
c. Tài liệu chứng minh thiệt hại bao gồm:
i. Đối với thiệt hại về tài sản:
- Các hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc thuê cẩu kéo (nếu có), sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại (nếu sửa chữa tại các cơ sở sửa chữa xe không thuộc hệ thống bảo lãnh của Bảo hiểm PVI), chứng từ xác định giá trị tài sản (nếu cần). Biên bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc mất trộm, mất cắp, bị cướp hoặc mất tích Xe;
- Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe/ Lái xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của Bảo hiểm PVI.
ii. Đối với thiệt hại về hàng hoá:
Các chứng từ xác định nguồn gốc, giá trị hàng hoá như: hợp đồng vận chuyển, hoá đơn, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, biên bản giao nhận hàng hoá ghi rõ khối lượng và số lượng hàng hoá, biên bản xác định tổn thất giữa chủ hàng và Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe/ Người thụ hưởng hợp pháp.
iii. Đối với thiệt hại về người:
Các chứng từ y tế xác định tình trạng thương tích của nạn nhân như: Giấy ra viện, bệnh án, giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật. giấy chứng tử, chứng từ chứng minh quyền thừa kế hợp pháp (trường hợp Người được bảo hiểm chết). Giấy uỷ quyền hợp pháp trong trường hợp uỷ quyền.
d. Biên bản thỏa thuận/ hòa giải (trong trường hợp hòa giải).
e. Bản án hoặc Quyết định có hiệu lực của Tòa án (nếu có).
f. Các tài liệu cần thiết (phán quyết của Tòa án/ biên bản, tài liệu xác định trách nhiệm của Người thứ ba) để chuyển quyền cho Bảo hiểm PVI đòi bồi thường từ bên gây thiệt hại cho xe được bảo hiểm mà Chủ xe đã hoặc sẽ được Bảo hiểm PVI giải quyết bồi thường cho thiệt hại này (trong trường hợp đòi Người thứ ba).
2. Tài liệu do Bảo hiểm PVI phối hợp và/ hoặc hướng dẫn Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe thu thập:
a. Bản sao hợp lệ bộ hồ sơ có xác nhận của cơ quan công an trong trường hợp tai nạn có sự tham gia giải quyết của cơ quan công an, bao gồm:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn (nếu có);
- Sơ đồ hiện trường tai nạn (nếu có);
- Bản ảnh hiện trường tai nạn và các tài sản liên quan (nếu có);
- Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn (nếu có);
- Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn (nếu có);
- Biên bản giải quyết tai nạn giao thông (nếu có);
- Bản kết luận điều tra tai nạn (nếu có);
- Biên bản thỏa thuận/ hòa giải (trong trường hợp hòa giải).
b. Các tài liệu liên quan đến trách nhiệm của Người thứ ba (nếu có).
c. Biên bản giám định thiệt hại được các bên thống nhất.
3. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
4. Trường hợp xe bị mất trộm, mất cướp toàn bộ Chủ xe/ Đại diện hợp pháp của Chủ xe có trách nhiệm cung cấp:
- Đơn trình báo mất trộm, mất cướp với cơ quan công an có xác nhận của cơ quan công an. Trường hợp đồng thời mất cả giấy tờ/ tài liệu liên quan đến Xe do để cùng trên Xe bị mất trộm, mất cướp phải khai báo rõ nội dung này trong Đơn trình báo và có xác nhận của cơ quan công an.
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự (nếu có) liên quan đến mất trộm, mất cướp xe ô tô được bảo hiểm;
- Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự (nếu có) liên quan đến mất trộm, mất cướp xe ô tô được bảo hiểm.