Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm

Trong giao kết bảo hiểm, các bên cần thực hiện việc trung thực. Nghe điều này có vẻ sáo rỗng khi mọi giao dịch kinh tế đều đề cao việc trung thực. Nhưng trong bảo hiểm, trung thực được coi là một trong 9 nguyên tắc cơ bản của ngành, được cụ thể hoá trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, mà theo đó, khi một bên vi phạm nguyên tắc này, hợp đồng bảo hiểm sẽ bị vô hiệu. Điều 16, luật kinh doanh bảo hiểm 2022 ban hành ngày 16/06/2022 quy định: “các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm”.

IBAOHIEM – Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm

Vậy tại sao lại xuất hiện nguyên tắc này trong bảo hiểm?

Ví dụ 1: Công ty A muốn tham gia bảo hiểm cháy nổ cho nhà xưởng của mình. Để tính được phí bảo hiểm, một trong những yếu tố cần cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm là Giá trị của nhà xưởng. Các doanh nghiệp bảo hiểm không thể nào biết được giá trị thực của nhà xưởng, dù đã từng bảo hiểm cho hàng nghìn cơ sở vì mỗi nhà xưởng là riêng biệt, không giống nhau. Nếu thuê một bên thứ ba định giá thì việc này sẽ vừa mất thời gian, vừa mất chi phí, gây tốn kém cho chính khách hàng. Trong khi đó, rõ ràng công ty A sẽ phải biết giá trị của nhà xưởng mình, bao gồm giá trị nhà khi xây mới hay giá trị khấu hao  trên sổ sách. Sẽ thật vô lí nếu một công ty không biết đến điều này. Vì vậy, việc để công ty A tự khai báo giá trị nhà xưởng của mình sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều. Đi kèm với việc tự khai báo sẽ là  rằng buộc về sự “trung thực”, theo đó nếu việc khai báo này không đúng thì sau này công ty A sẽ phải tự chịu hậu quả.

Ví dụ 2: Ông B muốn tham gia bảo hiểm sức khoẻ cho mình. Trước khi tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cần thẩm định sức khoẻ của ông B. Để thẩm định sức khoẻ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rất khó thực hiện vì hơn ai hết, chỉ ông B mới là người rõ nhất tình trạng sức khoẻ của mình. Đến đây, một số bạn nghĩ rằng doanh nghiệp bảo hiểm có thể dựa vào hệ thống điện tử mà các bệnh viện đã xây dựng để tự tra cứu (như VSSID chẳng hạn). Nhưng điều này thật sự bất khả thi trong thực tế khi mỗi bệnh viện đang sử dụng một hệ thống dữ liệu khác nhau. Việc tra cứu tất cả các bệnh viện trên toàn quốc có thể tốn thời gian đến hàng năm. Chưa kể về mặt pháp lý, việc tự ý tra cứu thông tin về khám chữa bệnh của người dân là bất hợp pháp. Thay thế việc này, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần đưa ra bảng câu hỏi về sức khoẻ và ông B tự khai báo các thông tin của mình. Việc khai báo trung thực như thế sẽ mất rất ít thời gian, công sức và chi phí của các bên. Để đảm bảo việc ông B khai báo trung thực, trong quy tắc, hợp đồng bảo hiểm sức khoẻ sẽ có điều khoản quy định: nếu ông B khai báo không đúng khi tham gia bảo hiểm, thì khi xảy ra tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường và hợp đồng đã kí kết sẽ bị vô hiệu.

Có thể thấy, nguyên tắc Trung Thực Tuyệt Đối trong bảo hiểm giúp các bên sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí khi thực hiện việc giao kết hợp đồng. Thử tưởng tượng nếu không có nguyên tắc này trong bảo hiểm, ở trong ví dụ 1, công ty A không phải khai báo giá trị nhà xưởng của mình, doanh nghiệp B sẽ phải bỏ ra số tiền rất lớn để thuê định giá tại sản, số tiền này có khi còn lớn hơn cả số phí bảo hiểm mà họ sẽ thu được, cả công ty A và doanh nghiệp bảo hiểm đều không muốn bỏ ra chi phí định giá tài sản và hợp đồng bảo hiểm sẽ không thể được giao kết. 

Trong luật kinh doanh bảo hiểm 2022 áp dụng từ ngày 01/01/2023 cũng quuy định rất rõ trong trường hợp các bên vi phạm nguyên tắc này tại điều 22:

  • Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho công ty bảo hiểm.
  • Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì công ty bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Công ty bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty bảo hiểm (nếu có).
  • Trường hợp công ty bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Công ty bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).

Qua đây, lời khuyên của IBAOHIEM dành cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm là hãy thông tin đầy đủ về tài sản hay tình trạng sức khoẻ của mình. Chúng tôi là đơn vị đại lý bảo hiểm tổ chức, hợp tác với rất nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ cùng với sản phẩm da dạng, bất cứ nhu cầu nào của Quý khách hàng cũng sẽ có sản phẩm phù hợp tương ứng. Tham gia bảo hiểm là để chuyển giao rủi ro đi, hãy trung thực khi giao kết bảo hiểm để không phải nhận lại bất cứ rủi ro nào khi bồi thường.